Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Ý nghĩa của việc đầu tư cổ phiếu dài hạn

Nếu bạn nào chưa biết vì sao lại nên đầu tư cổ phiếu dài hạn thì bài báo sau sẽ cho bạn câu trả lời:

http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/neu-nong-dan-hoc-theo-ba-mai-kieu-lien-giu-co-phieu-vinamilk-ho-da-giau-co-nao-20160302110826581.chn

Xin nói rõ thêm là hiện giá cổ phiếu của Vinamilk đã khá đắt theo phương pháp đầu tư giá trị, giá trị của nó đang đắt gấp khoảng 8 lần giá trị sổ sách của nó, gấp khoảng 18 lần lợi nhuận sau thuế của nó, tức là nếu lợi nhuận sau thuế của nó hàng năm không thay đổi thì phải mất 18 năm nữa bạn mới hoàn vốn, trừ phi bạn nào biết rõ rằng Vinamilk sẽ được mua lại bởi nước ngoài với giá bao nhiêu, ở thời điểm nào.

Vinamilk là một cổ phiếu tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận nên việc định giá cổ phiếu này đang được định giá theo sự kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận duy trì ở mức cao như năm 2015 (tăng trưởng khoảng 40% trong thị phần sữa ở nước ngoài).

Goodluck!

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Một số công thức cơ bản của đầu tư chứng khoán và Phương pháp đầu tư giá trị.


1. Vốn hoá: là giá trị thị trường của một công ty.

Công thức tính:
Vốn hoá của 1 công ty = tổng số cổ phiếu lưu hành * giá 1 cổ phiếu.
Vốn hoá trị trường chứng khoán = bằng tổng vốn hoá của các công ty trong thị trường đó.

Muốn biết công ty có bao nhiêu cổ phiếu lưu hành thì có thể đọc trên báo cáo tài chính ở mục vốn chủ sở hữu, hoặc nhanh hơn thì vào nhập mã cổ phiếu đó vào mục "Search" trong các trang hsx.vn đối với sàn giao dịch Hose, và hnx.vn đối với sàn giao dịch hnx.vn, hoặc nhanh hơn nữa thì vào trang vietsock.vn, cafef.vn.
2. EPS (Earning Per Share)
EPS= Lợi nhuận sau thuế / tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Lợi nhuận sau thuế xem ở cuối bảng báo cáo kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính (BCTC)
3. B (Book value)
Nghĩa là giá trị sổ sách. Chính là tổng tài sản của công ty trên bảng cân đối kế toán (BCĐKT) được tính bằng tổng tài sản trong BCTC trừ đi tổng nợ trong BCTC. Hoặc đơn giản hơn Book value bằng chính vốn chủ sở hữu của công ty đó trong bảng CĐKT.
4. Giá trên lợi tức: P/E (Price/Earning)
Có thể giải thích dễ hiểu P/E là giá của công ty đó gấp bao nhiêu lần lợi nhuậ sau thuế  (LNST) của công ty đó, ví dụ P/E=4, thì sau khi bạn mua công ty đó, với LNST hàng năm ko thay đổi thì sau 4 năm bạn sẽ hoàn vốn.
Để đơn giản cho người mới bắt đầu thì mình chia sẻ công thức dễ hiểu và dễ áp dụng nhất:
P/E = Vốn hoá/ LNST=Giá của một cổ phiếu / EPS.
Đầu tư vào công ty tuyệt vời có P/E trung bình của 5-7 năm trong khoảng 4-6 thì tỷ lệ an toàn và thành công sẽ cao. P/E tối đa không quá 25, và công ty không nên có một năm nào thua lỗ. P/E càng nhỏ nghĩa là giá càng rẻ.
Trừ những công ty kinh doanh theo chu kỳ (những công ty này nếu phân tích sẽ cần một bài viết dài), các công ty độc quyền như GAS, Viettel, EVN,... và trừ các công ty đặc biệt như Facebook, Google,...ban đầu hoạt động thì chưa có doanh thu nên không có lợi nhuận nên không thể tính được P/E. Lúc đó nhà đầu tư vào những công ty đó người ta gọi là nhà đầu tư mạo hiểm.

5. Giá trên giá trị sổ sách: P/B
P/B= Vốn hoá/ giá trị sổ sách.
P/B càng nhỏ thì giá càng rẻ, trừ trường hợp công ty đó khai khống giá trị tài sản.
Khi mua cổ phiếu P/B tối đa không quá 1.2 trừ các trường hợp như đã nói ở trên đối với chỉ số P/E.
6. P/E*P/B tối đa bằng 25.
7. Giá của cổ phiếu/ cổ tức của 12 tháng gần nhất phải nhỏ hơn 20.
8. Nên đa dạng nhiều cổ phiếu tốt trong danh mục đầu tư, mỗi công ty được chọn nên là công ty lớn có tên tuổi nổi bật.
9. Mỗi công ty phải trả cổ tức hàng năm bằng tiền liên tục lâu dài tốt nhất là trên 7 năm (vì bạn là người chủ sở hữu một phần tương ứng với lượng cổ phiếu bạn nắm giữ).

Đó là những chỉ số quan trọng nhất và cũng là một phần các nguyên tắc của phương pháp đầu tư giá trị. Các nguyên tắc trên được trích trong cuốn "Nhà đầu tư thông minh" của Benjamin Graham, người sáng lập ra trường phái phân tích giá trị và là người truyền thụ những kiến thức đó cho Warrent Buffet (Nhà đầu tư huyền thoại hiện giàu thứ 2 thế giới). Tốt hơn hết bạn nên đọc cuốn sách đó, có thể mua ebook đó trên trang alezaa.com.

Nguyên nhân cp GAS (TCT Khí Việt Nam) tăng 50% trong 1 tháng qua.


Trước khi nói nguyên nhân chính mình sẽ phân tích các nhân tố cơ bản.

Ngày 22/1/2016 giá của cp GAS dao động ở mức 30.000đ/cp. Vốn hoá công ty (giá trị thị trường) khoảng 3 tỷ $, trừ đi 1 tỷ $ tiền mặt ròng (tổng tiền công ty có trừ đi tổng nợ), thì vốn hoá của GAS là 2 tỷ $, lợi nhuận sau thuế trung bình 5 năm gần nhất của GAS là 0,5 tỷ $, vậy P/E (được tính bằng vốn hoá chia cho lợi nhuận sau thuế (LNST)) trung bình 5 năm là 4. Mức giá này là một giá hời theo phương pháp đầu tư giá trị. Bởi vị thế độc quyền phân phối khí tại Việt Nam. Hiện GAS đã và đang cung cấp khí để sản xuất 40% điện của Việt Nam, cung cấp tới trên 70% nhu cầu khí LPG của Việt Nam (LPG là khí gas bạn dùng để nấu ăn hàng ngày,..), xuất khẩu cho Campuchia gần 50% nhu cầu LPG của nước này. Doanh thu trung bình 5 năm của GAS là 3.5 tỷ $, tỷ suất LNST/Doanh thu 5 năm khoảng 20%, đặc biệt là LNST trung bình 5 năm xấp xỉ bằng tài sản cố định (có thể hiểu là 1 đồng vốn thu được 1 đồng lời ). Tất nhiên mình đã mua thêm cp GAS cho quỹ Red River Fund ở thời điểm này, trước đó mình mua trung bình ở giá 40.000đ/cp.
Hôm nay, 23/2/2016 giá cp GAS lập đỉnh năm 2016: 45.000đ/cp trong khoảng 30 phút, đóng cửa ở mức 43.300đ.  Với mức giá hiện tại: vốn hoá công ty là 4 tỷ $, P/E = (4-1)/0,5=6. Vẫn là giá hời theo như những phân tích ở trên, nhưng mua bán như thế nào thì mời bạn tham khảo bài viết cũ của mình:
http://dautuchungkhoanvandanhtung.blogspot.com/2016/02/phan-tich-co-phieu-gas-tct-khi-viet-nam.html

Và sau đây là nguyên nhân chính, dựa trên suy luận của mình, rút ra từ kiến thức và kinh nghiệm đầu tư.

Sở hữu 97% cp GAS là tập đoàn dầu khí Việt Nam (mà chính phủ Việt Nam sở hữu 100% tập đoàn này), nên 97% cp này sẽ ko bao giờ được giao dịch nếu không có lệnh của chính phủ.
 3% cp GAS còn lại được phép giao dịch tự do, mà gần 2% nước ngoài đã sở hữu, còn lại 1% là người Việt Nam sở hữu. Mấu chốt chính là điểm này, nếu bạn đang nắm giữ cp GAS thì giống như bạn đang phục kích 2 bên khe núi rất hẹp, nếu nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài muốn mua vào một lượng lớn cổ phiếu giá cổ phiếu sẽ tăng vọt vì lượng cổ phiếu tự do lưu hành rất ít, giống như đưa đại quân đi vào khe núi hẹp thì quân đội sẽ phải nối đuôi nhau dài hàng kilomet, nếu bị phục kích chắc chắn sẽ đại bại. Trong lịch sử đã có nhiều trận đánh như vậy, Bàng Quyên đã thua Tôn Tẫn như vậy trong trận chiến cuối cùng của 2 ông.
Bản thân GAS đã là cổ phiếu tuyệt vời nhất, cùng với tỉ lệ lưu hành tự do thấp đó chính là nguyên nhân cổ phiếu GAS tăng mạnh 50% trong 1 tháng. Kiểm tra lịch sử giao dịch và khớp lệnh thì điều mình phân tích trên là hoàn toàn đúng. Trước ngày 22/1/2016 khối ngoại đã bán ròng cp GAS để đẩy giá cp này xuống, trong 1 tháng qua khối ngoại và NĐT trong nước đã mua ròng trở lại khiến cp này tăng giá chóng mặt. (Đừng quên rằng 1 tháng qua có 9 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ cuối tuần).

Goodluck!

(P/S: Dẫn chứng chỉ mang tính minh hoạ giúp chống buồn ngủ :D)



Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Lời muốn nói về đầu tư trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam

Là anh em, bạn bè thì nên nói những lời thật lòng, không nói lời thật lòng thì không phải anh em, bạn bè. Lời thật thì mất lòng cho nên bạn nào mà phật lòng khi đọc những dòng này thì mình xin lỗi trước nhé. 
Mình cũng đã từng mong muốn có ai đó nói cho mình biết về vấn đề này nhưng chưa ai nói cho mình nghe, vậy mình xin là người đi nói.
"Người Việt mình có giỏi không? " Chắc ai cũng biết đáp án.
"Người Việt mình thành tích có cao không?" Chắc là mọi người thừa biết.
Vậy tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) người nước ngoài lại có vai trò dẫn dắt. "Họ đầu tư vào VN nhiều tiền không?". Câu trả lời là nhiều khoảng vài chục tỷ $ trên thị trường ck, và hàng chục tỷ $ trong các công ty không niêm yết. Tổng cộng xấp xỉ vốn hoá TTCKVN khoảng 1.200.000 tỷ đồng.
Vậy họ có giỏi hơn người Việt mình không? Chắc nhiều bạn sẽ nói không chắc. Thế có ai kiếm được tiền từ họ không? Mình trả lời cho: "Nhiều". Bằng chứng là bong bóng chứng khoán năm 2006-2008 do các nhà đầu tư nước ngoài thổi lên làm rất nhiều người Việt Nam bản lĩnh đi trước đón đầu giàu có, trở thành tỷ phú trong vài tháng thậm chí vài tuần, họ tậu xế hộp, mua nhà lầu, sắm du thuyền trở thành ông chủ là bình thường, nhân viên môi giới thời đó sống trong nhung lụa, tiền họ kiếm được từ chính các nhà đầu tư nước ngoài mang tới. Đó là cái thời hoàng kim đầu tiên của thị trường chứng khoán VN (chưa bao giờ là cuối cùng), điều này thậm chí khá nhiều nhà đầu tư VN hiện tại chưa biết, nếu không đọc được hoặc nghe được một huyền thoại nào đó của năm ấy kể lại.
Vậy tại sao nó lại vụt tắt nhanh thế, mà không ai dám tự tin nhắc đến. Cũng do chính người Việt mình, những người vào thị trường muộn năm 2008-2009 đã lãnh trọn hậu quả của việc mua cổ phiếu khi VN-Index đang cao chót vót hơn 1000 điểm, mà tới giờ sau bao nhiêu năm phát triển cũng chỉ ở mức 500-600. Những người Việt khi mua ở giá cao ngất đó họ là ai, đa phần là những người chưa từng biết đến thế nào là báo cáo tài chính, phần còn lại là do lòng tham của một số người có hiểu biết, họ mua mọi cổ phiếu có thể mua mà đôi khi chẳng biết công ty đó đang bán với giá gấp bao nhiêu lần giá trị thực của nó (khoảng vài chục lần), tất nhiên cũng chẳng quan tâm tới việc phân tích cổ phiếu. Và khi khủng hoảng kinh tế 2008 bắt đầu từ Mỹ tràn đến Việt Nam, những người sau cùng là người lãnh đủ. Sự thất bại của người đến sau cũng dập luôn ngọn lửa đầu tư ck vừa mới bùng cháy mãnh liệt nay chỉ còn le lói. Đúng là cái gì "bạo phát" thì " bạo tàn ".
Vậy người Việt Nam nào mà có tìm hiểu, dám đi trước đón đầu vẫn cứ giàu, nhà, xe, du thuyền họ vẫn còn. Vậy người Việt mình đầu tư thành công có, thất bại có. Tiền kiếm được từ nhà đầu tư nước ngoài cũng nhiều, mất cũng nhiều. Những ai được ai mất thì thời nào cũng có. Nếu hiểu và nắm vững luật chơi thì mọi người đều thắng vì đầu tư không phải là trò chơi có tổng bằng không. Và đây là thị trường mở tự do, ai cũng có thể thành công bằng chính tư duy, phân tích của mình. Hãy nắm lấy cơ hội và tự cho mình cơ hội, bằng cách mỗi ngày dành 10-30 phút đọc thêm báo trên trang vietstock.vn, cafef.vn,... rồi bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình thấy còn dễ hơn chơi trò flappy bird cả trăm lần.
Chúc cả nhà ai cũng sẽ thành công với những ước mơ của mình.
Goodluck!
P/S: Vingroup của Phạm Nhật Vượng và Vinamilk,... phát triển bùng nổ tới ngày nay là nhờ những dòng vốn mà nước ngoài đem tới qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài đó nhé.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Phân tích cổ phiếu GAS (TCT Khi Việt Nam)

Hiện tại mức giá của GAS (42.900đ) là hợp lý so với vị thế độc quyền của GAS trong lĩnh vực phân phối khí ở Việt Nam, mặc dù giá của cp GAS đã tăng gần 45% trong tháng 2 này, mình đã gọi điện khuyên rất nhiều anh em mua cp này khi giá của nó là 32.000đ/1cp nhưng rất tiếc là ko ai làm theo.

Trước căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông mà cụ thể là giữa Syria và Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, thì xu  hướng giá dầu sẽ đi lên trong tương lai không xa. Giá dầu tăng thì hiển nhiên giá cổ phiếu lĩnh vực dầu khí sẽ tăng.

Nhưng tại sao mình chỉ khuyến nghị mua và nắm giữ cp GAS dài hạn vì doanh nghiệp này là doanh nghiệp duy nhất có lượng tiền mặt ròng lớn khoảng 1 tỷ $ (22.000 tỷ VNĐ), ngược lại các doanh nghiệp khác trong nhóm ngành này lại nợ ngân hàng rất lớn khó có khả năng duy trì hoạt động khi tình hình giá dầu còn nằm ở mức 30$/thùng trong 2-4 năm tới.

Tuy nhiên cuối năm 2016 này sẽ có khoảng 20 triệu cp GAS (chiếm 1% trong tổng số cổ phiếu của tổng công ty) đã được TCT Khí Việt Nam phát hành cho cán bộ nhân viên nội bộ với giá 20.000đ/1cp giao dịch trên thị trường. Điều này có thể sẽ khiến giá cp GAS sụt giảm mạnh ở thời điểm đó.

Vì vậy mình khuyến nghị mua và nắm giữ GAS dài hạn với một nửa lượng vốn bạn định đầu tư vào cp này, nửa lượng vốn còn lại sẽ đầu tư khi giá cp GAS giảm mạnh bởi việc giao dịch 20 triệu cp ở thời điểm cuối năm 2016 hoặc khi giá dầu giảm về dưới 20$/thùng. Mình xin nói rõ là không khuyến nghị đầu cơ cp này.

Goodluck!

Phân tích diễn biến giá của HNG và HAG


Ngay khi khối ngoại mua gần 5 triệu cổ phiếu HAG phiên thứ 6 tuần trước, lập tức nhà đầu tư trong nước mua vào mạnh gần 15 triệu cp HAG và 40 triệu cp HNG. Nên biết rằng HAG sở hữu đến 80% cp của HNG. Như vậy hai động thái trên có nghĩa rằng các "ông lớn" đang mua vào mạnh mẽ HNG ngoài mục đích đầu cơ thì mục đích chính là nhằm đẩy giá cp HAG. Điều này thứ 6 tuần trước mình đã nghi ngờ khi cả 2 cp trên đều dư mua trần với khối lượng lớn và phiên sáng nay cũng vậy, cộng với việc hôm nay HNG đã được giao dịch ký quỹ trở lại đã chứng minh suy đoán trên là tương đối chính xác.

Cần phải nói thêm là cả 2 cp HAG và HNG đã mất giá hơn 70 % trong cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Dù chúng đang bị đầu cơ hay đang được đầu tư thì giá 2 cp này đang rẻ mạt.

Khuyến nghị mua HAG và HNG và bán khi lãi ròng 20-30 %.

HAG và HNG là gì bạn nào chưa biết thì tìm hiểu trên google nhé.

Các bước để đầu tư chứng khoán dành cho những ai chưa từng học về kinh tế ở đại học (học rồi thì không cần mình múa rìu qua mắt thợ).

Các bước để đầu tư chứng khoán

1. Tìm hiểu các thuật ngữ trong lĩnh vực này.

Trước tiên chứng khoán là gì thì bạn xem định nghĩa trên google nhé. Giao dịch chứng khoán chủ yếu hiện nay là cổ phiếu và trái phiếu. Thậm chí 90-95 % là giao dịch cổ phiếu. Tất cả các thuật ngữ như cổ phiếu, trái phiếu, cổ tức, cổ đông,...tìm trên google sẽ cho bạn những kết quả tương đối chính xác. Muốn chính xác 100% thì xem định nghĩa trong luật đầu tư, luật chứng khoán, luật kinh doanh và các văn bản luật khác có trên trang web chính thức của chính phủ. ví dụ: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=80082

2. Chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản giao dịch.

    Có rất nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tại Việt Nam, danh sách các CTCK xin mời xem link sau:
https://www.hsx.vn/Modules/StockMember/Web/Index/123?fid=6e7a4d8226e143e3a36667aeb67831da

 Mình khuyến nghị nên mở tài khoản tại 10 CTCK có thị phần môi giới cao nhất vì sao thì có rất nhiều câu trả lời bạn tự tìm hiểu nhé. Danh sách 10 CTCK đó xin mời xem link sau: 

http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/thi-phan-moi-gioi-hsx-quy-4-2015-chung-khoan-bao-viet-mat-ten-trong-top-10-20160106174715871.chn

Chọn CTCK rất quan trọng, mỗi CTCK có hệ thống giao dịch và bảo mật khác nhau, một số mình thấy tiện dụng, một số thì không. Bạn nên tham khảo về phí giao dịch và lãi suất giao dịch ký quỹ của từng CTCK nữa vì đôi khi có sự khác nhau đấy. Chọn CTCK có uy tín vẫn quan trọng hơn vấn đề phí giao dịch và lãi suất. Bạn tự quyết định nhé. Và cũng nên cân nhắc chọn CTCK có trụ sở hoặc chi nhánh, hoặc phòng giao dịch gần nơi bạn định cư để tiện giao dịch, liên lạc.

3. Mở tài khoản giao dịch chứng khoán và giao dịch chứng khoán.

Sau khi đã chọn được CTCK thì bạn sẽ đến trụ sở hoặc phòng giao dịch hoặc chi nhánh giao dịch của CTCK đó gần nhất với nơi bạn ở để mở tài khoản giao dịch. Bạn chỉ cần đến CTCK đó và nói: "Em muốn mở tài khoản giao dịch chứng khoán " với bất kỳ ai hỏi "bạn đến đây làm gì" thì bạn sẽ được hướng dẫn từ A-Z, phải gặp ai, phải làm gì...để mở được tài khoản giao dịch chứng khoán.

Sau khi mở được tài khoản giao dịch ck thì bạn sẽ biết ai là người môi giới chứng khoán của bạn, và bạn có thể đặt rất nhiều câu hỏi trực tiếp với anh ấy trong giờ làm việc hành chính. Người môi giới sẽ hướng dẫn bạn đăng nhập vào hệ thống giao dịch của CTCK của anh ấy, và chỉ anh ấy và CTCK đó mới có thể hướng dẫn bạn cách giao dịch mua bán chứng khoán trên hệ thống của chính CTCK đó.

Đến đây bạn đã biết giao dịch mua bán chứng khoán hay tối thiểu là biết giao dịch mua bán cổ phiếu.

4. Để đầu tư thành công cổ phiếu, trái phiếu của một doanh nghiệp

Để tự đầu tư thành công trước tiên bạn phải đọc và hiểu được báo cáo tài chính của doanh nghiệp (không dành cho những bạn nào đầu tư theo kiểu nghe môi giới chứng khoán tư vấn đầu tư 100% từ mua gì cho tới bán gì nhé, nếu bạn có suy nghĩ như vậy chắc đã không đọc blog này). Bản chất là để hiểu tình hình kinh doanh trong quá khứ và hiện tại của doanh nghiệp nhằm giúp bạn có thể phân tích về doanh nghiệp đó và quyết định mua hay bán cổ phiếu, trái phiếu,...của doanh nghiệp đó hoặc không giao dịch gì với công ty đó hết.

Việc đọc và hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp thì có rất nhiều cách như tự học, hoặc đăng ký một khoá học hay lớp học nào đó, hoặc học từ bất kỳ ai có thể giúp mình hiểu. Mình thì tự học và đi học một môn kế toán khi còn học đại học. Trên mạng và rất nhiều sách về kế toán có thể giúp bạn hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp. Nếu bạn nàp học nhanh thì trung bình 2 ngày là hiểu được hết. Đó là sự thật.

Điều quan trọng là phải hiểu được tình hình kinh doanh trong quá khứ, hiện tại và dự đoán được một phần trong tương lai của doanh nghiệp bạn muốn mua cổ phiếu hay trái phiếu của nó.

Đó là vấn đề cơ bản. Còn để phát triển và hoàn thiện kỹ năng đầu tư từ cơ bản tới chuyên nghiệp thì mỗi người có một con đường. Nhưng cơ bản đều phải rèn rũa, tích luỹ kinh nghiệm qua nhiều năm tháng.

Con đường cơ bản nhất đó là đứng trên vai của những người khổng lồ (những nhà đầu tư nổi tiếng) bằng cách đọc sách của họ để mở rộng vốn kiến thức. Các sách kinh điển sau đây đã là những sách gối đầu giường của vô số nhà đầu tư thành công: "Nhà đầu tư thông minh" của Benjamin Graham, Đánh bại phố Wall và Trên đỉnh Phố Wall của Peter Lynch, Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường của Phillip A. Fisher, Warrent Buffet - Quá trình hình thành của một nhà tư bản Mỹ  của Roger Lowenstein. Tất cả các sách trên đều có thể tìm mua trên trang alezaa.com

Và hãy đọc thêm về mọi thứ bạn muốn biết về đầu tư trên các trang báo mạng ví dụ như vietstock.vncafef.vnhsx.vnhnx.vn... Kết hợp tham khảo ý kiến của các nhà tư vấn uy tín của bạn cùng với quan sát diễn biến kinh tế, chính trị tại thời điểm bạn phân tích cổ phiếu để có dự đoán chính xác nhất về xu hướng thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để ra quyết định đầu tư thành công nhất có thể.

Đôi khi mọi thông tin vĩ mô, mọi thứ đao to búa lớn chẳng ảnh hưởng gì tới giá cổ phiếu của bạn cả. Thường thì tất cả những thông tin vĩ mô với mình chỉ là tham khảo chẳng ảnh hưởng gì tới kế hoạch đầu tư dài hạn, nó chỉ có tác dụng cho đầu cơ ngắn hạn.

Ngoài ra bạn có thể  tự nghĩ ra hoặc tìm hiểu thêm về chiến thuật, chiến lược giao dịch để  giao dịch hiệu quả nhất. Khuyến nghị là nên đọc thêm về chiến lược, chiến thuật trong binh pháp, và các sách về triết học Á Đông như: Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh...

Một số nhà đầu tư thành công nhờ dựa vào trực giác, người tiếp theo có thể là bạn. Bạn tự suy ngẫm nhé.

....

Một cách cuối cùng nhanh nhất và cũng là cách không nên áp dụng nhất đó là sử dụng những nguồn thông tin nội bộ để giao dịch ít rủi ro nhất mà lợi nhuận lơn nhất. Cách này nếu bị phát hiện nặng nhất có thể ngồi tù, lâu hay ít thì tuỳ. Cách này ko cần nói sau này đầu tư lâu ai cũng biết. Nhưng bạn có thể biết được và nhận ra được những cổ phiếu nào đang được giao dịch nhờ thông tin nội bộ nếu bạn đủ sâu sắc để đầu cơ thành công.

Càng rủi ro cao đồng nghĩa với lợi nhuận càng cao đó gần như là điều mà ai cũng biết. Bạn hãy tự quyết định có bắt đầu với đầu tư hay không nhé.

Sơ lược về đầu tư là như vậy, kiến thức là biển. "Người biết thì không nói, người nói thì không biết", mình có lời nhằm truyền ý, bạn nào hiểu ý thì quên lời mình nói đi nhé.

Trước đây khi mình mới mò mẫm tìm hiểu vể đầu tư mà có ai nói cho mình biết những gì mình đã viết trên đầy thì mình coi người đó là bạn thân của mình mãi mãi, nói vậy có nghĩa là mình viết nhằm giúp những ai quan tâm đầu tư mà chưa  có chút kiến thức gì về đầu tư  thì có thêm chút hiểu biết về đầu tư. Còn nếu cho điểm về tính hàn lầm, kinh viện đối với bài giới thiệu này thì điểm F là chắc chắn rồi. Vậy nên bạn nào học kinh tế mà có đọc thì đừng cười mình vì những chỗ diễn đạt thô thiển thiếu văn phong khoa học nhé.

Chúc tất cả những ai có đam mê sẽ thành công.